Nối dài hành trình từ đông sang tây
Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là hai Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1999. Sau 25 năm, hai điểm đến này vẫn giữ được vai trò “hạt nhân” của hệ sinh thái du lịch Quảng Nam.
Tour tuyến kết nối Hội An - Mỹ Sơn đặc biệt được du khách quốc tế ưa chuộng và từng được đưa vào danh sách các điểm đến của Việt Nam cần phải trải nghiệm.
Theo các doanh nghiệp du lịch, ngoài sức hút về thương hiệu, ở Hội An và Mỹ Sơn có mối tương tác kết nối tự nhiên và văn hóa, thêm nữa khoảng cách di chuyển gần (chưa đến 40km), giao thông ngày càng thuận lợi từ lúc hoàn thành cầu Giao Thủy tất yếu giúp tour tuyến này ngày càng phát triển.
Xa hơn về phía tây, việc Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang (cách Khu đền tháp Mỹ Sơn gần 90km) chính thức khai trương sau 2 năm vận hành với chuỗi sản phẩm đặc trưng dần hoàn thiện được chờ đợi sẽ nối dài tour tuyến Hội An - Mỹ Sơn - Cổng Trời Đông Giang.
Ông Nguyễn Anh Tấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FVG, chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang cho biết, khi đầu tư vào vùng núi tây bắc Quảng Nam đã nhận định việc liên kết vùng du lịch sẽ còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ngay từ đầu đã xác định đầu tư đồng bộ 4 tiêu chí: du lịch khám phá - du lịch tâm linh - du lịch nghỉ dưỡng và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào bản địa. Trong đó, việc duy trì phát triển bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu được xem là hồn cốt, định hướng xuyên suốt trong quá trình phát triển.
“Chúng tôi kỳ vọng với thương hiệu du lịch văn hóa lịch sử của Hội An, kiến trúc đặc sắc của Khu đền tháp Mỹ Sơn cộng thêm mảnh ghép từ chuỗi sản phẩm đặc sắc của Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang sẽ hình được tam giác du lịch đẳng cấp của Quảng Nam trong thời gian tới” - ông Nguyễn Anh Tấn nói.
Việc đưa tuyến cáp treo dài 1,6km vào vận hành kỹ thuật thử nghiệm trong tháng 6 này trước khi chính thức đưa vào hoạt động được Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang kỳ vọng mở thêm đột phá trong việc thuyết phục du khách nối dài hành trình từ Hội An - Mỹ Sơn lên vùng cao của tỉnh.
Ông Hồ Quang Bửu - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Có thể nói hành trình du lịch Hội An - Mỹ Sơn - Đông Giang là một trục du lịch vô cùng độc đáo, hiếm có trong khu vực với rất nhiều giá trị đặc sắc cả về thiên nhiên và văn hóa. Các điểm đến trên trục này đang tích cực tạo thêm nhiều sản phẩm mới, hy vọng sẽ phát triển mạnh trong tương lai”.
Cần kích hoạt thêm trợ lực
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Hội An - Điện Bàn - Đại Lộc là cụm động lực số 1 của tỉnh. Có thể thấy, “tam giác” Hội An - Mỹ Sơn - Cổng Trời Đông Giang cũng phần nào nương theo hướng tuyến này và việc thúc đẩy trục du lịch nêu trên trong tương lai là khả thi.
Dù vậy, rào cản dễ thấy vẫn là hạ tầng giao thông còn khá trắc trở. Đơn cử, từ Hội An lên Mỹ Sơn có thể dễ dàng di chuyển qua tuyến ĐT610 hoặc ĐT609 (đoạn qua Điện Bàn rồi rẽ qua cầu Giao Thủy) nhập vào ĐT610 với thời gian khoảng 1 giờ đồng hồ.
Thế nhưng, thời gian từ Hội An lên đến Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang phải mất đến gần 3 giờ đồng hồ dù khoảng cách chỉ hơn 100km.
Nguyên do là dự án nâng cấp, mở rộng ĐT609 đoạn từ xã Đại Hưng (Đại Lộc) đến xã Mà Cooih (Đông Giang) khởi công từ đầu năm 2023 vẫn chưa hoàn thiện.
Một khi tuyến ĐT609 từ Đại Lộc - Đông Giang được nâng cấp, lượng khách đến Cổng Trời Đông Giang sẽ gia tăng đáng kể bởi đây là con đường ngắn nhất nối Đông Giang với các di sản của Quảng Nam, kể cả từ phía TP.Đà Nẵng.
Câu chuyện mở rộng liên kết Hội An - Mỹ Sơn không mới, trước đây từng có một số khu vực ngoại vi của 2 điểm đến này được kết nối vào hành trình, nhất là các điểm đến ở Điện Bàn nhưng không hấp dẫn được du khách. Cổng Trời Đông Giang sẽ còn nhiều việc phải làm nếu muốn gắn kết vào hành trình di sản này.
Theo bà Phạm Quế Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - du lịch Hội An Express, cáp treo là một điểm nhấn mới để thu hút khách nhưng Cổng Trời Đông Giang cũng cần nghiên cứu bổ sung nhiều mảng xanh, công viên nước, gia tăng lồng ghép hoạt động sinh hoạt của người đồng bào bản địa để tạo ra sức hấp dẫn với các dòng khách quốc tế.
“Thời gian tới nếu muốn đẩy mạnh trục du lịch này, các bên liên quan cần triển khai kết nối tuyến lưu thông Hội An - Đông Giang. Đồng thời Cổng Trời Đông Giang cũng cần kết hợp các điểm đến Hội An - Mỹ Sơn xây dựng gói sản phẩm 2 ngày - 1 đêm hoặc dài hơn và mời doanh nghiệp hoạt động ở thị trường quốc tế đến khảo sát. Tăng cường quảng bá thông tin, chương trình kích cầu thu hút khách đến Cổng Trời Đông Giang, nhất là khách nội địa ở miền Bắc, miền Nam và quốc tế” - bà Quế Anh nói.
Theo Báo Quảng Nam điện tử - baoquangnam.vn