Đến với phố cổ Hội An, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính của nó từ những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, đến những bãi biển thơ mộng tại Cửa Đại hay sự tươi mát của Cù Lao Chàm và những ánh đèn lung linh sắc màu khi về đêm. Tất cả những điều đó tạo nên cái nét rất riêng của Hội An mà ai đã đến nơi đây rồi đều muốn ghé lại một lần nữa. Sau đây Đà Nẵng Xanh sẽ chia sẻ những địa điểm tham quan nổi tiếng của Hội An mà du khách có thể đến.
Nhà cổ Phùng Hưng
Nhà cổ Phùng Hưng là nơi chứng kiến sự ra đời của tám thế hệ của gia đình Phùng Hưng. Nó đã được xây dựng trên hai trăm năm qua và nó là một mẫu nhà đẹp nhất của lối kiến trúc kiểu này ở Hội An. Năm 1985, ngôi nhà này đã được xếp hạng nhất ở Việt Nam như một kiểu mẫu về lối kiến trúc truyền thống có giá trị văn hóa cao. Nó được coi là kiểu mẫu bởi vì nó giữ được nguyên vẹn những yếu tố kiến trúc xưa nhờ vào chất lượng tuyệt vời của vật liệu và sự chăm sóc của cả đại gia đình.
Đến Hội An bạn đừng nên quên ghé nhà cổ Phùng Hưng để biết được kiến trúc văn hóa của người Việt xưa.
Chùa Cầu – Ngôi chùa không có… Phật
Sở dỉ ngôi chùa này được gọi là chùa Cầu vì kiến trúc của nó gồm ngôi chùa nhỏ gắn kết vào sườn phía Bắc cây cầu cổ trong khu đô thị cổ Hội An. Cùng với Cầu Ngói Phát Diệm (Ninh Bình), Cầu Ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên-Huế), Chùa Cầu Hội An là một trong 3 cây cầu lợp ngói nổi tiếng ở Việt Nam được nhiều du khách biết đến.
Chiếc cầu dài 18 m với bảy gian bằng gỗ, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Hoài nối giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú của TP Hội An. Cầu có dáng uốn cong mềm mại, nhiều họa tiết đẹp. Cầu và chùa đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu. Mặt chùa quay về phía bờ sông, mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu.
Hội Quán Phước Kiến
Đây là nơi thờ thần, Tiền hiền và hội họp đồng hương của những người Phúc Kiến. Đến tham quan, du khách sẽ chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo tráng lệ, được chạm trổ tinh xảo. Chính điện thờ Thiên hậu Thánh Mẫu, Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, 3 bà Chúa sanh thai và 12 bà mụ. Trong chùa còn có nhiều tượng thờ, trống đồng, chuông đồng, lư hương lớn, 14 bức hoành phi và nhiều hiện vật có giá trị khác. Hội quán có kiến trúc kiểu chữ “Tam” theo các trật tự: cổng – sân – hồ nước – cây cảnh – hai dãy nhà đông và tây – chính diện – sân sau – và hậu điện.
Nhà cổ Tấn Ký
Được xây dựng từ hơn 200 năm trước đây, ngôi nhà cổ Tấn Ký tại trung tâm thành phố Hội An mang kiến trúc hình ống đặc trưng của đô thị cổ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đến nay chủ nhà vẫn giữ cách bày trí nội thất và sử dụng các vật dụng cổ kính có từ thời xưa. Đây cũng là ngôi nhà cổ đầu tiên được Bộ Văn hoá – Thông tin cấp bằng công nhận “Công trình Văn hoá” cùng hai di tích khác tại Hội An từ năm 1985. Nhiều vật chứng của thời kỳ thương mại phồn thịnh ngày xưa và sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Hoa – Nhật – Việt rất phổ biến trong giai đoạn sau thế kỷ 17 hiện vẫn được giữ gìn.
Ngoài những nét kiến trúc xưa thì khi đến Hội An, du khách còn được nghe hát dân ca, hò xứ Quảng, bài Chòi rất thú vị. Tạm xa rời sự ồn ào của thành phố bạn hãy cùng đến Hội An để trải nghiệm những cảm xúc mới lạ, những phút giây yên tĩnh của phố cổ bên dòng sông Hoài chắc chắn bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật muôn vẻ muôn màu tuyệt đẹp.