Với quãng đường dài, địa hình hiểm trở và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không sử dụng phương tiện hỗ trợ nào khác ngoài đôi chân của trekker, chình vì vậy, trekking đòi hỏi người tham gia phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về thể chất và tinh thần.
Trekking - xu hướng mới của người trẻ hiện nay
Trekking là hoạt động đi bộ qua các cung đường gồ ghề, không có lối mòn, đôi khi phải băng rừng, lội suối nhằm thử thách bản thân và khám phá thiên nhiên hoang dã, đích đến của những cuộc hành trình này thường là những đỉnh núi cao, ít người đặt chân tới.
Nhịp sống hối hả khiến nhiều bạn trẻ tìm đến trekking như cơ hội được tạm thời "thoát ly" khỏi thực tại, bỏ phố về rừng, dành trọn những ngày nghỉ cuối tuần để tìm tới thiên nhiên. Đi bộ băng qua những cánh rừng, nghe tiếng chim kêu khiến các trekker "refresh" tinh thần sau nhiều ngày làm việc căng thẳng, đây cũng chính là cách để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Nhiều người lại cho rằng, họ chỉ đơn thuần tìm tới trekking với mong muốn khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên. Cũng vì thế mà chinh phục thiên nhiên cũng chính là vượt qua giới hạn của bản thân, rèn luyện tính kỷ luật, sống có mục tiêu, mục đích.
Khung cảnh vô thực nhìn từ đỉnh núi thu hút giới trẻ tham gia trekking (Ảnh: Dương Lưu).
"Động lực để tôi bắt đầu chuyến trekking đầu tiên trong đời là do xem được một đoạn video trên mạng xã hội về cảnh bình minh nhìn từ đỉnh Lảo Thẩn, vì thế đã quyết tâm tập luyện để đủ sức khỏe và tới được đó", anh Việt Anh - một trekker tại Hà Nội chia sẻ.
Người trẻ và hành trình khám phá thiên nhiên
Với đặc thù công việc phải ngồi làm việc nhiều giờ, ít vận động, Nguyễn Thùy Dương (Dương Lưu) - một nhân viên văn phòng tại Hà Nội nhận thấy bản thân dần xuất hiện dấu hiệu của các bệnh "văn phòng" (thừa cân, thoái hóa đốt sống cổ,…) đã tìm tới trekking như một hình thức du lịch mới, vừa được trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, vừa có cơ hội để rèn luyện thể lực. Quyết định tham gia chuyến trekking đầu tiên được Dương đưa ra sau nhiều lần đắn đo, "ngại" thử sức với cái mới, song sau cùng "chỉ khi bắt tay vào thực hiện, mình mới biết được mình thực sự phù hợp với điều gì và cần gì", Dương chia sẻ.
Trong một lần leo đỉnh Tà Chì Nhù (Yên Bái), Dương đã "suýt chết" vì lên cao, không khí loãng khiến cô không thể hít thở bình thường do không chuẩn bị đầy đủ thuốc dù bản thân có tiền sử viêm xoang. Rất may sau khi được một người bạn cùng đoàn có mang thuốc tới hỗ trợ, Dương đã có thể tiếp tục hành trình.
"Đó là một kỷ niệm đáng nhớ giúp tôi nhận ra sự cần thiết của việc chuẩn bị các vật dụng, đồ dùng cá nhân trước chuyến đi, không được chủ quan, bởi khi đã vào rừng nghĩa là tạm thời ngắt kết nối với thế giới bên ngoài".
Qua những lần như thế, bản thân Dương còn nhận ra tình cảm gắn bó, giúp đỡ vô điều kiện giữa những người xa lạ, "tôi và những anh chị đi cùng đoàn đều không quen biết nhau từ trước, chúng tôi chỉ mới gặp nhau được nửa ngày, song lúc tôi gặp khó khăn về sức khỏe, họ dành sự quan tâm và chăm sóc cho tôi như người thân của họ", Dương bày tỏ.
Chia sẻ về những điều cần chuẩn bị trước một chuyến đi trekking dành cho người mới bắt đầu, Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện thể chất bởi đây là yếu tố quyết định sự an toàn và thuận lợi của mọi chuyến đi. Cô cho rằng, người mới tham gia bộ môn này cần tìm hiểu về các cung đường, độ khó của từng hành trình, đặc biệt chú ý đến độ dài và độ dốc của quãng đường, từ đó lựa chọn lộ trình phù hợp với thể trạng của bản thân. Với những ai chưa nhiều kinh nghiệm, nên đăng ký tham gia các tour trekking có hướng dẫn viên chuyên nghiệp đi cùng, tránh những rủi ro không đáng có.
Sau lần đầu "săn" mây trên nóc nhà Y Tý, "về rừng" trở thành một phần thói quen của Dương, cô tự đặt mục tiêu mỗi tháng chinh phục một đỉnh núi, vào những mùa cao điểm, khi thời tiết ủng hộ, mùa hoa về, Dương có thể leo tới 3 đỉnh núi trong một tháng.
Lợi ích kinh tế và trách nhiệm bảo vệ môi trường
Từ khi trekking được nhiều người quan tâm, các đơn vị lữ hành đã tổ chức nhiều tour du lịch dạng leo núi một cách bài bản, đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho du khách trong suốt hành trình. Mỗi đoàn khách được dẫn đường bởi một hướng dẫn viên có kinh nghiệm đi rừng, thường là người dân địa phương.
Chính vì thế, nhiều người dân vùng núi cao có thêm sinh kế từ việc dẫn khách đi rừng, leo núi ngoài những nguồn thu nhập từ công việc thường ngày. Không chỉ vậy, ở chân núi, người dân cũng được hưởng lợi trực tiếp từ việc đón các đoàn khách đi và đến hàng ngày với đa dạng các mô hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú…
Lợi là thế nhưng hoạt động leo núi khám phá của một bộ phận du khách đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới người dân cũng và địa phương nơi có các địa điểm trekking. Khác với các loại hình du lịch phổ biến hiện nay, trong suốt hành trình trekking sẽ không có thùng rác hay nơi thu gom rác thải, chính vì vậy, không khó để bắt gặp hình ảnh rác thải bủa vây những con đường dẫn lên núi, dưới những gốc cây, thậm chí ngay tại cột mốc ở đỉnh núi.
Dù trong các tour trekking đều có thành viên phụ trách mang vác đồ, thu gom rác thải của đoàn, song không thể phủ nhận vẫn còn tình trạng du khách "tiện tay" xả rác bừa bãi, làm mất đi vẻ đẹp của tự nhiên, ô nhiễm môi trường sinh thái.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng, để khai thác hiệu quả lợi ích từ du lịch trekking, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân và bản thân mỗi du khách. Mỗi người, từ những hành động nhỏ nhất như không xả rác bừa bãi, sử dụng các vật dụng tái chế cũng góp phần giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, bảo vệ môi trường ở những nơi mình đi qua.
Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân, du khách, đó không chỉ là quyền lợi, nghĩa vụ mà còn là văn hóa, đạo đức, cách ứng xử của con người với thiên nhiên nhằm bảo tồn, duy trì sự đa dạng sinh học, môi trường sinh thái. Hình thức du lịch leo núi có sự tương tác trực tiếp với thiên nhiên, càng cần phải dựa trên nguyên tắc bền vững, tôn trọng văn hóa, nếp sống và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân bản địa.
Việt Nam với địa hình phần lớn là đồi núi sở hữu nhiều địa điểm trekking tuyệt đẹp thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Có thể kể đến một số cung đường như Tà Năng - Phan Dũng (qua địa phận 3 tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận), Tả Liên Sơn (Lai Châu), Lùng Cúng (Yên Bái), A Pa Chải (Điện Biên)... Mỗi cung đường đều mang một nét đẹp riêng của thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi du khách khi thành công chinh phục.
Theo nhiều chuyên gia, đây là loại hình du lịch mạo hiểm, cần có sự chuẩn bị tốt về thể chất, tinh thần và các kỹ năng cần thiết trước khi tham gia, người thiếu kinh nghiệm được khuyến cáo không nên tự di chuyển. Hiện nay, nhiều đơn vị lữ hành đã tổ chức các tour trekking ở nhiều cung đường với các gói dịch vụ khác nhau, du khách được dẫn đường bởi những người đi rừng lâu năm, được chuẩn bị lương thực, hướng dẫn cách ứng phó với các tình huống xảy ra trên đường di chuyển./.
Nguồn: Báo Tổ quốc